ĐẶC SAN KỶ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG QUỐC HỌC QUY NHƠN

Hiếu học là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Biết bao cơ sở giáo dục được thành lập, dựng xây, phục vụ việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước là minh chứng rõ nét cho điều đó. Miền đất võ trời văn Bình Định tự hào có một mái trường với bề dày lịch sử cả một thế kỉ - trường Quốc Học Quy Nhơn.

Năm 1921, tại thành phố biển Quy Nhơn – một vùng đất thiên nhiên nên thơ, tươi đẹp, một trung tâm văn hóa chính trị ở miền Trung, Trường Quốc Học với tên gọi ban đầu Collège de Qui Nhơn đã được thành lập trên cơ sở trường Pháp - Việt Qui Nhơn (1920) đóng tại trường Nữ Tiểu học Ấu Triệu cũ (nay là trường Tiểu học Lê Lợi).

Năm học 1921 – 1922, Trường mở thêm lớp Đệ Nhất niên (Cours Première année, tương đương lớp 6 hiện nay) và đổi tên là École de Plein Exercice de Qui Nhơn (Trường Kiêm bị Qui Nhơn). Tuy nhiên, sau khi học hết lớp Đệ Nhất niên này, những học sinh được lên lớp Đệ Nhị niên phải ra trường Collège Khải Định (sau là Quốc Học Huế) để tiếp tục việc học. Năm học 1924 – 1925, trường Collège de Qui Nhơn chuyển sang cơ sở mới nằm trên đường Odend’hal (nay là đường Lê Hồng Phong, cơ sở này bao gồm khu vực các trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Hồng Phong và cả một phần khách sạn Thanh Bình hiện nay). Đến năm học 1926 – 1927, Trường hoàn chỉnh cấp Cao đẳng Tiểu học từ lớp Đồng ấu (Cours Enfantin, lớp thấp nhất) cho đến lớp Đệ Tứ niên (Cours Quatrième année, là lớp 9 hiện nay) và có đầy đủ 10 lớp của bậc Tiểu học và bậc Cao đẳng Tiểu học.

Ngày 3/2/1930, Đảng CSVN ra đời, đất nước như sáng bừng lên trong màu nắng mới. Cùng với bước ngoặt lịch sử ấy, tháng 10/1930, Chi bộ nhà trường đã trở thành một trong ba Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Bình Định được thành lập. Từ đây, biết bao học sinh đã giác ngộ lí tưởng cộng sản và trở thành những nhà hoạt động cách mạng ưu tú.

Năm học 1941 – 1942, Trường đổi tên thành Collège de Võ Tánh, nằm trên đại lộ Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong). Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 11 năm 1945, Trường phải dời toàn bộ về thôn An Lương – xã Mỹ Chánh – huyện Phù Mỹ. Đầu năm học 1947 – 1948, Trường chuyển về thôn Hòa Bình – xã Nhơn Phong – huyện An Nhơn và được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Huệ. Năm học 1950 – 1951, trường tách ra làm 2 cơ sở là Nguyễn Huệ Nam vẫn đóng ở Nhơn Phong – An Nhơn và Nguyễn Huệ Bắc đóng ở Vạn thắng – Trung Lương – Thị trấn Bồng Sơn – Hoài Nhơn. Sinh ra giữa những ngày nghèo khó, lớn lên trong lửa đạn chiến tranh, vượt qua bao thử thách của cuộc kháng chiến, trường vẫn duy trì truyền thống dạy tốt và học tốt. Đã có biết bao nhà giáo chân chính đã cần mẫn truyền ánh sáng tri thức, ánh sáng nhân nghĩa; biết bao học sinh của nhà trường ở thời kì đầy khó khăn này đã viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, cống hiến cuộc đời mình cho quê hương, đất nước.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, mùa thu năm 1955, Trường được mở lại và xây mới trên nền trường cũ (Collège de Qui Nhơn) nhưng đã bị lấn chiếm, thu hẹp đến hơn một nửa và được đổi tên thành trường Trung học Cường Để Qui Nhơn (bao gồm khu vực trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Hồng Phong ngày nay). Năm 1958, Trường chuyển sang cơ sở mới được xây dựng tại địa chỉ số 09 Trần Phú hiện nay. Trường mở thêm bậc Trung học Đệ nhị cấp (cấp III) và dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, các thế hệ giáo viên và học sinh Cường Để đã ra sức phấn đấu để nối tiếp trang sử vẻ vang của nhà trường. Rất nhiều người đã tạm biệt mái trường thân yêu để tham gia kháng chiến, để viết tiếp trang truyền thống bất khuất của đất nước Việt Nam trong thế kỉ hai mươi.

Năm 1975 đất nước thống nhất, Trường Cường Để Qui Nhơn được đổi tên thành trường Phổ thông cấp III Quang Trung, sau đó đổi thành Phổ thông Trung học Quang Trung. Với niềm vui vẫn còn vang vọng của ngày hội non sông, với hào khí Tây Sơn của miền đất võ, vượt qua những khó khăn bộn bề của những ngày đầu sau giải phóng, hoạt động dạy và học của thầy trò trường Phổ thông Quang Trung đã thu được những hoa thơm trái ngọt đầu mùa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.

Từ tháng 9 – 1991 đến nay, trường được mang tên: trường Quốc Học Quy Nhơn. Tiếp bước ngọn lửa truyền thống: Yêu nước – Hiếu học – Kính thầy – Mến bạn, giáo viên và học sinh của nhà trường luôn phấn đấu vươn lên và đạt được những thành tích tiêu biểu. Với sự tin yêu của các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định, cán bộ - giáo viên – học sinh trường Quốc Học Quy Nhơn đồng tâm nhất trí, vững bước hướng đến tương lai để tiếp tục làm rạng danh truyền thống tốt đẹp của nhà trường, để hai tiếng Quốc Học thân thương thực sự là niềm tự hào máu thịt của những ai đã, đang học tập và làm việc dưới mái trường này. 

Những thông tin trên được trích lược trong Đặc san kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường Quốc học.


1. Quốc học Quy Nhơn: Đặc san kỷ niệm 75 năm thành lập trường 15/9/1921-15/9/1996/ Phạm Dư, Giang Nam, Nguyễn Xuân Sanh...biên tập.- Quy Nhơn (Bình Định): Hội học sinh, 1996.- 202tr.; 24cm.
     Tóm tắt: Giới thiệu trường Quốc học Qui Nhơn sự hình thành và phát triển.
     Chỉ số phân loại: KPL GN.QH 1996
     Số ĐKCB: STK.07155, STK.07156, STK.07157, STK.07158, STK.07159, STK.05155, STK.05154, STK.05153, STK.05152, STK.05151, STK.05148, STK.05149, STK.05191, STK.05190, STK.05189, STK.05188, STK.05187, STK.05186, STK.05185, STK.05184, STK.05183, STK.05182, STK.05181, STK.05180, STK.05115, STK.05116, STK.05117, STK.05118, STK.05119, STK.05120, STK.05121, STK.05122, STK.05123, STK.05124, STK.05125, STK.05126, STK.05127, STK.05128, STK.05129, STK.05130, STK.05131, STK.05132, STK.05133, STK.05134, STK.05135, STK.05138, STK.05139, STK.05140, STK.05141, STK.05142, STK.05143, STK.05144, STK.05145, STK.05146, STK.05147, STK.05150,

Để có thể đọc được đặc san này quý thầy cô và các em học sinh hãy ghé Thư viện trường nhé